alt

Đây cũng chính là vị khách lớn nhất và có xu hướng ngày một gắn bó chặt hơn với hệ thống ngân hàng thương mại.

  Thứ Sat, 02/11/2019

 

Tuần qua, từ diễn đàn Quốc hội, thông tin Chính phủ sẽ đi vay thêm gần 460.000 tỷ đồng để cân đối ngân sách nổi bật trong các dòng chảy thông tin.

Thế nhưng, ở một chiều khác, Chính phủ ở vai trò là người gửi tiền lại ít được đề cập đến khi các ngân hàng thương mại lần lượt công bố báo cáo tài chính quý III/2019. Con số ở đây cũng rất lớn.

Chỉ tính riêng tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước (đầu mối trực tiếp quản lý nguồn của Chính phủ) đã lên tới gần 150.000 tỷ đồng.

Dự kiến số dư tại hai thành viên chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2019 là Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đáng kể, góp phần đưa tổng số tiền của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại ở quy mô lớn.

Dĩ nhiên, tiền gửi của đầu mối này có phần nhằm mục đích thanh toán. Nhưng từ trong năm 2018, một hiện tượng đã thể hiện và kéo dài, thậm chí đang được củng cố cho đến nay, là tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước. Quy mô tiền gửi có kỳ hạn này liên tục tăng lên qua các quý từ đầu 2019.

Câu hỏi trực quan và đơn giản: một lượng tiền rất lớn gửi mang tính chất cố định bởi có kỳ hạn tại ngân hàng, nhưng sao Chính phủ vẫn liên tục phát hành trái phiếu đi vay thêm, cũng như có kế hoạch tiếp tục vay quy mô lớn nói trên?

Trước hết, gửi tiền ở ngân hàng là cách dễ nhất khi dư hoặc chưa dùng đến được. Việc gửi tiền có kỳ hạn ở các ngân hàng thương mại có thể xem là bất đắc dĩ, khi mà giải ngân đầu tư công, giải ngân vốn ODA… những năm qua và cho đến nay vẫn tắc nghẽn. Tình trạng này được Chính phủ, Bộ Tài chính liên tục có báo cáo, chỉ đạo khơi thông thời gian qua.

Vốn ứ và trở nên “nhàn rỗi” khi đầu ra ách tắc, gửi ngân hàng ở dạng có kỳ hạn thì nắm được lãi suất cao hơn hàng chục lần so với để ở không kỳ hạn, như tại Vietcombank gửi 1-12 tháng được lãi suất 4,5-6,5%/năm.

Những mức lãi suất đó cũng cao hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu Chính phủ đang đi vay tại cùng thời điểm. Như trong tuần qua, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 7 năm hoặc 10 năm đấu thầu chỉ ở mức rất thấp, 3% và 3,56%/năm. Cân đối một cách đơn giản, giả dụ tay phải đi vay tay trái gửi ngân hàng, chênh lãi suất ở đây có lãi lớn.

Tất nhiên, như trên, việc Kho bạc Nhà nước phải gửi và gia tăng gửi tiền có kỳ hạn ở ngân hàng là bất đắc dĩ. Nguồn thu lãi ở đây như một giải pháp tạm thời giúp khỏa lấp chi phí khi ứ vốn.

Nhìn rộng hơn, vài năm gần đây lãi suất trái phiếu Chính phủ đã giảm rất mạnh. Chi phí đi vay theo đó đã giảm bớt rất lớn so với giai đoạn trước. Ví như giai đoạn 2011-2013, lãi suất Chính phủ phải trả lên tới 12%/năm, giai đoạn 2014-2016 cũng khá căng thẳng với 6,5-8%/năm, nhưng nay chỉ khoảng 3-5%/năm với kỳ hạn dài hơn nhiều.

Lãi suất thấp và nguồn vốn thu hút thuận lợi, Chính phủ tranh thủ đi vay. Kế hoạch năm 2019 vay thêm 260.000 tỷ đồng, cũng như tiếp tục với quy mô gần 460.000 tỷ đồng nói trên… Trong khi lượng tiền lớn vẫn gửi có kỳ hạn ở ngân hàng.

Vẫn phải liên tục phát hành trái phiếu Chính phủ và đi vay, vì trước hết tại hầu hết các thời điểm trong năm đều có lượng trái phiếu phát hành trước đây đáo hạn. Đặc biệt từ 2016 trở về trước phần lớn là các kỳ hạn ngắn 3-5 năm, dồn đáo hạn nhanh. Huy động vốn mới để quay vòng trả vốn cũ.

Thứ nữa, từ cuối 2017 sang 2018, Bộ Tài chính đã từng đề cập, Việt Nam sau khi “tốt nghiệp khóa xóa đói giảm nghèo”, phát triển và thu nhập cải thiện hơn, các định chế tài chính bên ngoài giảm bớt ưu đãi khi cho vay và chuyển dần sang vay thương mại.

Chi phí vay quốc tế trở nên cao hơn, thậm chí theo báo cáo của Chính phủ là có những khoản lãi suất đã gấp đôi so với trước. Theo đó, tranh thủ nguồn vốn trong nước có lãi suất thấp như hiện nay là một thuận lợi. Mặt khác, việc gia tăng được tỷ trọng vốn vay trong nước cũng giảm thiểu chi phí rủi ro tỷ giá hàng năm thay vì dựa quá nhiều vào vốn vay nước ngoài.

Và với vai trò là nhà tạo lập, hoạt động phát hành và đi vay nói trên đòi hỏi phải duy trì để tạo sức hấp dẫn, tạo các tham chiếu cho thị trường và các nhà đầu tư của kênh trái phiếu.

Trong vai trò đó, có một điểm hạn chế là trái phiếu Chính phủ phát hành hiện nay đã thiếu đi các kỳ hạn ngắn như 2-3 năm, mà buộc phải từ 5 năm trở lên (theo nghị quyết Quốc hội đã xác định). Theo đó, thị trường hẫng đi một đường cong lãi suất chuẩn cho cân đối ở các loại kỳ hạn để tham chiếu; cơ cấu kỳ hạn cũng thiếu đi tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư

Viết bình luận của bạn:
zalo