Thẻ tín dụng đang là xu hướng thanh toán hiện nay bởi rất nhiều ưu đãi đặc biệt và lợi ích của nó. Một trong những lợi ích được quan tâm nhiều nhất chính là ưu đãi hoàn tiền (cashback). Nếu bạn đang tham gia Bảo hiểm Nhân thọ (BHNT), kết hợp thanh toán phí đóng bằng thẻ tín dụng hoàn tiền sẽ cho bạn cực kì nhiều cái lợi!
I. Về thẻ tín dụng
1. Thẻ tín dụng là gì?
Ngân hàng cấp tiền trước vào thẻ cho bạn chi tiêu, 1 thời gian sau bạn hoàn trả số tiền này cho Ngân hàng.
Giải thích theo ngôn ngữ “bình dân” cho dễ hiểu: sử dụng thẻ tín dụng nghĩa là bạn đang mượn tiền Ngân hàng (NH) để chi tiêu, và bạn không cần phải trả bất cứ tiền lãi nào nếu bạn trả tiền gốc cho NH đúng hạn. Hiện nay các NH thường cho bạn đến 45 ngày miễn lãi (1 tháng rưỡi). Nói nôm na, sử dụng thẻ tín dụng là bạn đang “chiếm dụng vốn” của NH 1 cách hợp pháp.
Không phải ai cũng mở được thẻ tín dụng, NH yêu cầu 1 số điều kiện mới mở cho bạn, thường là yêu cầu sao kê bảng lương để chứng minh bạn là người có thu nhập ổn định. Tùy vào mức lương của bạn mà NH sẽ cấp tiền vào thẻ khác nhau, lương càng cao thì càng được cấp nhiều tiền (hạn mức). Nghĩa là NH cho bạn “chiếm dụng vốn” trong một thời gian nhất định thôi, họ cũng rất sợ những người “giựt” luôn tiền của họ, thế nên mới cần bạn chứng minh thu nhập trước khi mở thẻ cho bạn.
2. Hoàn tiền (Cashback) là gì?
Ngoài vấn đề tiện lợi, chỉ cần quẹt thẻ là thanh toán, sử dụng thẻ tín dụng còn cho bạn rất nhiều ưu đãi. Tùy từng NH mà các ưu đãi sẽ khác nhau. Thường là:
- Phòng chờ VIP khi đi máy bay
- Giảm giá tại 1 số cửa hàng trong hệ thống
- Bảo hiểm miễn phí khi du lịch nước ngoài
- Hoàn tiền
- Vâng vâng….
Trong tất cả ưu đãi, hoàn tiền là ưu đãi đang được quan tâm nhất hiện nay.
Hoàn tiền là một hình thức giảm giá khi bạn sử dụng tiền trong thẻ để chi tiêu. Ví dụ: thẻ của bạn có chức năng hoàn tiền 5% khi đóng phí BHNT, thì khi bạn đóng phí BHNT 10 triệu đồng, 1 tháng sau NH sẽ trả lại bạn 5% (tương đương 500 ngàn đồng) vào thẻ của bạn. Vậy về bản chất, hoàn tiền không khác gì được giảm giá.
3. Tại sao nên dùng thẻ tín dụng hoàn tiền khi đóng phí BHNT?
Đã bao giờ bạn mượn bạn bè/ người thân 1 số tiền nhỏ như vài triệu hoặc vài chục triệu chưa? Hoặc phải mượn tiền của các tổ chức tín dụng “đen” (còn gọi là thu họ, bốc bát họ) với lãi suất cao cắt cổ?
Nếu dùng thẻ tín dụng, NH sẽ cho bạn mượn không tính lãi với điều kiện bạn phải trả tiền gốc cho NH đúng hạn (thường là 45 ngày). Nếu trả tiền gốc không đúng hạn, thì lãi vay của NH cũng rất dễ chịu, không cao khủng khiếp như khi mượn tiền “xã hội đen”.
Chừng đó lí do thôi là đã thấy dùng thẻ tín dụng lợi như thế nào rồi.
Khi đóng phí BHNT, cái lợi này sẽ nhân đôi. Có 2 lý do:
a. Hoàn tiền hàng năm
Một hợp đồng BHNT có thời hạn dài ít nhất cũng 10 năm, hoàn tiền vài % nghe có vẻ ít, nhưng khi nhân lên 10 năm số tiền hoàn lại là cực kì lớn.
Giả sử bạn đang tham gia hợp đồng BHNT với phí đóng mỗi năm là 30 triệu. Bạn sử dụng thẻ hoàn tiền 5%. Vậy mỗi năm bạn được hoàn 1,5 triệu. Nhân với 10 năm là bạn giảm được 15 triệu tiền đóng phí BHNT!
Nếu bạn làm theo đúng hướng dẫn trong bài viết này, số tiền tối đa tiết kiệm mỗi năm là 7,2 triệu; giả sử hợp đồng đóng phí 15 năm thì bạn sẽ tiết kiệm được 108 triệu! Kết hợp thêm với tiết kiệm bằng BHNT cho con, số tiền tích lũy được là rất đáng kể!
b. Phí đóng BHNT giúp bạn không phải đóng phí sử dụng thẻ (phí thường niên)
Ngân hàng cho bạn mượn tiền không tính lãi, nhưng mỗi năm bạn phải đóng phí sử dụng thẻ cho NH (gọi là phí thường niên).
Tuy nhiên, NH sẽ miễn 100% phí thường niên này nếu chi tiêu trong năm của bạn vượt qua khỏi 1 số tiền nhất định.
Ví dụ: NH sẽ miễn phí thường niên cho bạn nếu chi tiêu trong năm vượt qua 72 triệu đồng. Nếu bạn lấy 72 triệu chia đều cho 12 tháng, mỗi tháng bạn phải chi tiêu đến 6 triệu để được miễn phí thường niên. Nếu bạn là người sống tiết kiệm, chi tiêu không đủ 6 triệu/tháng, thì bạn phải đóng phí thường niên cho NH.
Tuy nhiên, giả sử bạn có hợp đồng BHNT với phí đóng 30 triệu mỗi năm và bạn sử dụng thẻ để đóng tiền, thì bạn chỉ cần phải chi tiêu thêm 42 triệu nữa thôi là đủ điều kiện miễn phí thường niên (72 triệu) rồi ! Đem 42 triệu chia đều cho 12 tháng sẽ ra 3,5 triệu mỗi tháng. Chi tiêu 3,5 triệu mỗi tháng là hoàn toàn khả thi !
Nói tóm lại, dùng thẻ tín dụng để đóng phí BHNT hoàn toàn có lợi. Vậy dùng thẻ nào được hoàn tiền nhiều nhất?
II. Dùng thẻ tín dụng nào có lợi nhất nhất khi đóng phí BHNT?
Hiện nay, trên thị trường chỉ có 4 NH có % tiền hoàn cao khi đóng phí BHNT, các NH khác có % tiền hoàn không đáng kể ( chỉ khoảng 1%).
4 NH đó là VPBank, Sacombank, Citibank và Eximbank. Cùng xem xét các khía cạnh quan trọng khi mở thẻ tín dụng của 4 NH này qua bảng sau:
VPBank | Sacombank | Eximbank | Citibank | |
Tỷ lệ tiền hoàn | 6% | 5% | 5% | 4% |
Số tiền hoàn tối đa | 600.000 VNĐ/tháng | 600.000 VNĐ/tháng | 700.000 VNĐ/tháng | 600.000 VNĐ/tháng |
Phí mở thẻ | Miễn phí | Miễn phí | 800.000 VNĐ | 1.320.000 VNĐ |
Phí thường niên | 499.000 VNĐ | 999.000 VNĐ | 1.200.000 VNĐ | 1.320.000 VNĐ |
Điều kiện miễn phí thường niên | Chi tiêu > 100 triệu/năm | Không áp dụng | Chỉ miễn phí năm 1 | Chỉ miễn phí năm 1 |
Số ngày miễn lãi | 45 ngày | 55 ngày | 45 ngày | 47 ngày |
Điều kiện mở thẻ | Lương > 7 triệu/tháng | Lương > 20 triệu/tháng | Lương > 10 triệu/tháng | Lương > 15 triệu/tháng |
Căn cứ vào bảng trên, chúng ta có 7 khía cạnh cần phải xem xét khi mở thẻ tín dụng sao cho có lợi nhất.
1. Tỉ lệ tiền hoàn trên phí đóng BHNT
Tỉ lệ tiền hoàn là yếu tố quan trọng hàng đầu, tỉ lệ này càng cao thì càng có lợi cho khách hàng. Ví dụ phí đóng BHNT của bạn là 10 triệu/năm và bạn đang sử dụng thẻ của VPBank để thanh toán, số tiền hoàn sẽ là: 10.000.000 x 6% = 600.000 VNĐ.
Giả sử bạn sử dụng thẻ của Sacombank để thanh toán, số tiền hoàn sẽ là: 10.000.000 x 5% = 500.000 VNĐ.
Vậy, xét trên tỉ lệ tiền hoàn, thẻ của VPBank là ưu đãi nhất.
2. Số tiền hoàn tối đa mỗi tháng
NH luôn đặt ra số tiền hoàn tối đa mỗi tháng. Ví dụ bạn có hợp đồng BHNT với phí đóng là 20 triệu/năm. Nếu bạn sử dụng thẻ của VPBank để thanh toán luôn phí năm trong 1 lần duy nhất, bạn nghĩ số tiền hoàn sẽ là: 20.000.000 x 6% = 1.200.000 VNĐ ?
Sai! Vì VPBank giới hạn số tiền hoàn tối đa mỗi tháng là 600.000 VNĐ, nên trong ví dụ trên, bạn chỉ được hoàn lại 600.000 VNĐ thôi.
Vậy làm cách nào để được hoàn tiền trọn vẹn 1.200.000 VNĐ ? Rất đơn giản, hãy chia số tiền đóng phí BHNT của bạn ra 2 lần vào 2 tháng khác nhau, mỗi lần thanh toán 10.000.000 thôi. Sau 2 lần thanh toán bạn sẽ nhận đủ tiền hoàn 1.200.000 VNĐ.
Giả sử tháng nào bạn cũng đóng 10 triệu tiền phí BHNT thì tiền hoàn mỗi tháng sẽ luôn là 600.000 VNĐ (mức tiền hoàn tối đa mỗi tháng của NH VPBank). Thử làm 1 phép tính:
600.000 VNĐ x 12 tháng x 15 năm = 108 triệu VNĐ !
Tiết kiệm được hơn 100 triệu chỉ bằng cách dùng thẻ tín dụng! Khá ấn tượng đấy chứ !
Xét trên số tiền hoàn tối đa mỗi tháng, thẻ Eximbank là ưu đãi nhất.
3. Phí mở thẻ
Tùy NH mà có thể miễn phí hoặc thu phí. Trong 4 NH trên, VPBank và Sacombank miễn phí mở thẻ.
4. Phí thường niên
Để sử dụng thẻ tín dụng, hàng năm bạn phải đóng cho NH 1 khoản phí gọi là phí thường niên.
Trong các NH kể trên, VPBank có phí thường niên rẻ nhất (499.000 VNĐ).
5. Điều kiện miễn phí thường niên
Hiện nay, chỉ 1 số NH có chính sách miễn thu phí thường niên với điều kiện nhất định. Trong 4 NH trên thì:
- Sacombank không miễn phí thường niên
- Eximbank và Citibank chỉ miễn phí vào năm đầu tiên, các năm sau sẽ thu phí
- VPBank sẽ miễn thu phí thường niên nếu bạn chi tiêu trên 100 triệu/năm.
Vậy xét trên điều kiện miễn phí thường niên, VPBank có chính sách rất ưu đãi cho khách hàng.
6. Số ngày miễn lãi tối đa
Số ngày miễn lãi tối đa là số ngày mà bạn phải trả lại tiền gốc cho NH. Nếu vượt qua số ngày này, NH sẽ tính lãi cho số tiền bạn đã mượn. Nói cách khác, số ngày miễn lãi tối đa là thời gian mà bạn được quyền “chiếm dụng vốn” của NH.
Vậy NH nào hỗ trợ số ngày miễn lãi càng nhiều thì bạn càng có thêm thời gian để chiếm dụng vốn. Trên khía cạnh này, Sacombank là NH ưu đãi nhất (55 ngày miễn lãi).
7. Lương sao kê tối thiểu để được mở thẻ
Như đã biết, muốn mở thẻ tín dụng bạn phải chứng minh thu nhập. Cách thường được sử dụng nhất là sao kê lương. Nghĩa là bạn phải đi làm và được công ty trả lương qua tài khoản NH. Khi mở thẻ tín dụng, thông thường NH sẽ yêu cầu bạn sao kê 3 tháng lương gần nhất để chứng minh bạn là người có thu nhập ổn định.
Vậy trong 4 NH kể trên, VPBank có điều kiện mở thẻ dễ dàng nhất với lương sao kê yêu cầu chỉ 7 triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài cách chứng minh thu nhập bằng bảng lương, có rất nhiều cách khác để mở thẻ tín dụng như: làm thẻ đồng hạng, chứng minh đã từng đi du lịch nước ngoài bằng hộ chiếu, chứng minh bằng SIM điện thoại…Các cách chứng minh thu nhập này giúp cho những người kinh doanh tự do có thể sở hữu thẻ tín dụng mà không cần sao kê bảng lương.