Nhiều tiền lại sướng
Khảo sát trên thị trường tháng 11/2019 cho thấy, ngoại trừ 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank lãi suất huy động gần như không đổi, thì hầu hết các ngân hàng khác đều có sự điều chỉnh tăng.
Với kỳ hạn 13 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất lên tới 9,4%/năm thuộc về ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dành cho các khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Tiếp đến là ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) áp dụng mức lãi cao nhất lên tới 8,76/năm và 8,7%/năm với số tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên. Với các ngân hàng TMCP khác, lãi suất kỳ hạn 13 tháng dao động từ 7,8-8,5%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất đang là 8,45%/năm thuộc về TPBank. Còn các ngân hàng khác như SCB áp dụng lãi suất 8,21%/năm, SHB 8,2%/năm và NCB 8%/năm. Kỳ hạn 12 tháng lãi suất cao nhất cũng thuộc về SHB với 9,2%/năm dành cho khác hàng gửi nhiều hoặc ít hơn 500 tỷ đồng, trong khi SCB là 8,66%/năm. Các ngân hàng khác như Quốc Dân (NCB), Tiên phong (TP Bank) và Vietcapital là 8,2%/năm.
Đáng chú ý, một số ngân hàng chuyển sang phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao ngất ngưởng. Gần đây, nhiều khách hàng thường xuyên nhận được cuộc gọi từ một số ngân hàng, mời chào mua chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao. Theo đó, mệnh giá tối thiểu đối với khách hàng cá nhân là 10 triệu đồng nếu gửi 24 tháng, lãi suất là 9,5%/năm; gửi 36 tháng lãi suất là 9,8%/năm; 48 tháng lãi suất là 10%/năm; 60 tháng lãi suất là 10,2%/năm.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn có các chương trình khuyến mãi cộng thêm lãi suất cho khách hàng. Tiền gửi càng lớn, sẽ được tặng thêm lãi suất...
Chị Lê Hồng Quyên, trú tại đường Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết, có số tiền 5 tỷ đồng vừa gửi kỳ hạn 6 tháng tại một ngân hàng TMCP có phòng giao dịch gần nhà, với lãi suất 8%/năm và còn được cộng thêm 02%/năm nếu nhận cả gốc lẫn lãi vào cuối kỳ. Với số tiền trên, tính ra sau 6 tháng gửi chị tính sẽ nhận về khoản lãi hơn 200 triệu đồng.
Theo chị Quyên, với số tiền dưới 10 tỷ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 hoặc 9 tháng hiện nay là hợp lý nhất, lãi suất của một số ngân hàng cao gần bằng lãi suất kỳ hạn 12-3 tháng mà thời gian tất toán nhanh hơn hẳn. Trong lúc này, có tiền mặt nhàn rỗi không biết làm gì, gửi tiết kiệm hưởng lãi là sướng nhất, chị Quyên kết luận.
Không chỉ các cá nhân mà ngay cả DN nếu có tiền mặt gửi ngân hàng cũng hưởng lợi lớn, bởi lãi suất huy động tăng cao. Báo cáo tài chính của một số DN cho thấy có khoản tiền mặt lớn gửi ngân hàng, thu về những khoản “lãi khủng”.
Chẳng hạn như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) có hơn 10.000 tỷ đồng gửi ngân hàng, đã giúp thu về hàng trăm tỷ doanh thu tài chính mỗi quý trong nửa đầu năm 2019. Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), có lượng tiền mặt gửi ngân hàng lấy lãi tới hơn 14.700 tỷ đồng. Với số tiền này, 9 tháng đầu năm 2019, Sabeco ghi nhận doanh thu tài chính ở mức 622 tỷ đồng, tăng tới 36% so với cùng kỳ năm trước.Lãi suất có còn tăng?
Theo các chuyên gia kinh tế, cuối năm nhu cầu về tiền với người dân tăng cao. Nhiều người có nhu cầu sửa chữa nhà cửa, trả nợ, mua sắm xe cộ, đồ dùng gia đình chuẩn bị đón Tết. Vì vậy, không có tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng, phải rút tiền gửi, thậm chí là vay từ ngân hàng để chi tiêu.
Bên cạnh đó thị trường chứng khoán đang tăng điểm. Chỉ số VN-Index đã tăng 12% trong 10 tháng đầu năm 2019, nhiều mã cổ phiếu tăng giá, nhiều người đã đầu tư tiền mua chứng khoán với hy vọng hưởng lợi cao hơn, nên nguồn tiền chảy vào ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, thời gian qua một loạt DN lớn phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn 10%/năm khiến cho lượng tiền lớn cũng bị hút vào. Vì vậy, đã ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng.
Từ 28/10-1/11, Ngân hàng Nhà nước đã phải bơm ròng 19.999 tỷ đồng qua thị trường mở nhằm giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện.
Nhu cầu huy động vốn tài trợ tín dụng trong quý cao điểm cuối năm, cũng như các yêu cầu về cơ cấu vốn có hiệu lực từ đầu năm 2020, sẽ còn khiến các ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh huy động vốn. Vì vậy, lãi suất huy động vẫn có thể tiếp tục được điều chỉnh tăng tại một số ngân hàng.
Cuộc đua lãi suất huy động vẫn nóng, khiến cho kỳ vọng giảm lãi suất cho vay càng thêm xa vời. Một DN chuyên nhập khẩu bánh kẹo từ Indonesia về cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội cho biết đang phải vay vốn ngân hàng, kỳ hạn 6 tháng là 10%/năm. Nhưng lãi suất này chỉ dành cho 3 tháng đầu, 3 tháng tiếp sau sẽ phải điều chỉnh, thường là lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ từ 2-3%/năm nữa, tùy từng đối tượng khách hàng, tính ra khoảng 11%/năm.
Như vậy bình quân lãi vay 6 tháng khoảng 10,5% - cao hơn khoảng 1,3% so với nửa đầu năm 2019. Lãi suất tăng khiến chi phí của DN tăng. Tất cả sẽ tính vào giá thành sản phẩm. Do đó, bình quân giá các sản phẩm nhập khẩu của DN này tăng hơn 1% so với nửa đầu năm.
Với lãi suất kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, ngân hàng đang cho vay mức 12,5%/năm dành cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, mức lãi suất này là của kỳ hạn đầu, sau đó sẽ được thả nổi và cộng thêm biên độ khoảng 3,5-4%/năm.
Một DN nhỏ đang khai thác khoáng sản tại Thái Nguyên cho hay, theo tính toán lãi suất cho vay ở mức 6% là phù hợp. Với lãi suất cho vay dài hạn trên 12% tính ra đầu tư sẽ thua lỗ, vì vậy có nhiều ngân hàng tại địa bàn chào vay vốn nhưng không dám vay.
Khảo sát của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) mới đây cho thấy, lãi suất ngân hàng cao là một trong 5 thách thức tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2019. Từ đầu năm 2019 đến nay, các ngân hàng liên tục đẩy cao lãi suất huy động lên cao, dẫn đến lãi suất cho vay duy trì ở mức cao, đã làm chi phí hoạt động của DN tăng, giá sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của nhiều DN.
Giờ làm việc:
8h00 - 21h00, thứ 2 - CN (Kể cả lễ, Tết)