alt

Niềm tin vào hệ thống ngân hàng được củng cố

  Thứ Sat, 09/11/2019

Ông đánh giá thế nào về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong 10 tháng năm 2019?

Năm nay chính sách tiền tệ được đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có dao động mạnh, nhưng NHNN vẫn điều hành một cách linh hoạt và đạt được các mục tiêu đã đề ra như hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch, đảm bảo kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định đồng VND, nợ xấu được kéo giảm theo mức chỉ tiêu Quốc hội giao, đẩy mạnh tái cơ cấu các TCTD yếu kém… đảm bảo an ninh cho hệ thống tài chính quốc gia, an toàn cho hệ thống ngân hàng. Đặc biệt NHNN điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, phù hợp đã vừa giữ ổn định giá trị đồng tiền vừa hỗ trợ xuất khẩu, trong 10 tháng đầu năm 2019 Việt Nam xuất siêu được trên 7 tỷ USD…

Vì lẽ đó, theo tôi, người dân vẫn tin tưởng vào hệ thống ngân hàng, nên số tiền gửi vào hệ thống ngân hàng ngày càng tăng. Tính đến tháng 7/2019 ngân hàng đã huy động được trên 8,2 triệu tỷ đồng, trong đó 4,7 triệu tỷ đồng đến từ tiền gửi của người dân. Nhờ nguồn vốn huy động này giúp hệ thống ngân hàng có đủ vốn cung ứng cho nền kinh tế và vốn ngân hàng vẫn là kênh vốn chủ lực hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Đến hết tháng 7, dư nợ tín dụng cho toàn nền kinh tế lên đến 7,8 triệu tỷ đồng chiếm 130% GDP. Nhìn một cách tổng quan, tôi cho rằng, chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã rất hiệu quả và đạt được các mục tiêu đặt ra.

Tiết kiệm vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân

Theo ông, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng được củng cố vững chắc chưa?

Tôi cho rằng, lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN khá vững chắc. Điều thấy rõ nhất là trong 5 năm qua, NHNN kiểm soát lạm phát dưới 4%, tỷ giá điều hành ổn định, nợ xấu giảm, nhất là các thông điệp định hướng của Thống đốc NHNN đưa ra đều được thực hiện đúng như cam kết đã gia tăng niềm tin của người dân vào sự điều hành của NHNN.

Vậy, quyết sách nào ông cảm thấy hài lòng nhất trong điều hành chính sách của NHNN?

Điều hành chính sách của NHNN thời gian vừa qua, tôi nghĩ rất toàn diện ở mọi khâu từ điều hành lãi suất, ngoại hối, tỷ giá, tín dụng đến thanh toán, đảm bảo an ninh tiền tệ... Nhưng tôi đánh giá cao nhất là nỗ lực của NHNN trong điều hành tỷ giá. Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và khó lường, nhất là trước sức ép phá giá đồng CNY của Trung Quốc nhưng NHNN vẫn khéo léo điều hành linh hoạt và thận trọng chính sách tỷ giá vừa hỗ trợ góp phần cải thiện cán cân thanh toán vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao nhưng đảm bảo tính hài hòa về sức mua của đồng VND, cũng như các quan hệ đối ngoại…

Gần đây có ý kiến đề xuất NHNN nên linh hoạt điều chỉnh tỷ giá để tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu. Quan điểm của ông thế nào?

Giữ ổn định tỷ giá là khâu quan trọng nhất tạo niềm tin vào đồng nội tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Còn ở góc độ thị trường, cung - cầu ngoại tệ mới là yếu tố quyết định tỷ giá. Hiện tại, thanh khoản ngoại tệ tốt, cung ngoại tệ đang dư thừa như vậy, việc giữ tỷ giá ổn định, không để đồng VND tăng giá nhiều so với USD cũng đã hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu. Nên không có lý do gì phải phá giá. Theo tôi, thời điểm này việc giữ được ổn định tỷ giá đã là thành công.

Fed vừa giảm lãi suất lần thứ ba trong năm kéo theo động thái giảm lãi suất của nhiều NHTW khác. Vậy, NHNN có nên xem xét giảm tiếp lãi suất điều hành, thưa ông?

Hiện đã có 20 NHTW giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có Việt Nam giảm 0,25%/năm các lãi suất điều hành chủ chốt vào giữa tháng 9/2019. Thời gian tới đây, theo tôi, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thị trường trong nước và quốc tế như chính sách tiền tệ của các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ… Còn ở trong nước phải theo dõi diễn biến lạm phát như thế nào…

Khi xét tất cả các yếu tố đó, nếu điều kiện cho phép, NHNN có thể giảm thêm 0,25%/năm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho DN có chi phí kinh doanh hợp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh với DN nước ngoài… Tuy nhiên, những điều chỉnh chính sách cần phải thận trọng đảm bảo hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nhưng không ảnh hưởng đến các mục tiêu lớn khác.

Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, đến 30/9 tín dụng tăng 9,4%. Theo ông, có cần thiết đạt mục tiêu tín dụng tăng 14%?

Tôi nghĩ rằng, quan trọng là chất lượng. Với mức tăng trưởng tín dụng như hiện tại đang hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế duy trì với mức cao cho thấy vốn ngân hàng đang được sử dụng ngày càng hiệu quả. Do đó, chúng ta không nhất thiết phải đạt mục tiêu 14%.

Chưa kể, hiện nay chúng ta đang tái cơ cấu thị trường tài chính với định hướng nâng cao hơn nữa vai trò của TTCK sẽ đảm nhiệm kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Nên việc giảm dư nợ tín dụng là cần thiết để tăng vốn hóa TTCK. Với hướng đi này vừa thúc đẩy sự phát triển TTCK, thị trường vốn, vừa đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng an toàn bền vững.

Vậy, theo ông thời gian tới điều hành chính sách tiền tệ của NHNN còn phải đối mặt với thách thức nào?

Thực tế thời gian qua, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với những biến động của kinh tế thế giới. Tôi cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành đạt kết quả tích cực vừa ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định được đồng VND đảm bảo lòng tin của người dân.

Tuy nhiên, tôi cũng có một số lưu ý trong điều hành chính sách tiền tệ. Hiện nay, thanh khoản của các NHTM đang ổn định, nhưng NHNN vẫn cần phải theo dõi tình hình huy động vốn của các ngân hàng tránh hiện tượng một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động cao để hút nguồn vốn, tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay.

Theo đó, NHNN phải có biện pháp can thiệp kịp thời không để mặt bằng lãi suất tăng lên. Mặc dù dư nợ tín dụng đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên, NHNN nên tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng tín dụng để tránh nợ xấu quay trở lại sẽ khiến chúng ta phải tốn nhiều công sức để xử lý. Đây là điểm mà Quốc hội rất quan tâm.

Xin cảm ơn ông!

Viết bình luận của bạn:
zalo