Bên cạnh những con số lợi nhuận kỷ lục đáng nể, nợ xấu cũng có chuyển biến bất ngờ tại các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm.
Đầu tiên phải kể đến BIDV, tại ngày 30/9, nợ xấu nội bảng của BIDV là 22.436 tỷ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm. Đáng chú ý, trong khi nợ nhóm 3 và nhóm 4 giảm thì nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn của BIDV tăng tới 70% lên 12.194 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng từ 1,9% hồi đầu năm lên 2,09% cuối tháng 9.
Nợ xấu cũng tăng mạnh tại nhiều ngân hàng tầm trung, ngân hàng nhỏ như NamABank, ABBank.
Cuối tháng 9, nợ xấu của NamABank là 1.496 tỷ đồng, tăng tới 91% so với đầu năm, trong đó chủ yếu do nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng cao. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này theo đó tăng từ 1,54% lên 2,37%.
Tại ABBank, trong khi dư nợ cho vay sụt giảm, nợ xấu của ngân hàng lại tăng vọt (79%) lên 1.766 tỷ đồng. Điều này đã khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng (thị trường 1) của ABBank từ mức 1,89% hồi đầu năm bất ngờ vọt lên 3,39%. Đối với tỷ lệ nợ xấu trên tổng tín dụng, ước tính cũng đã tăng lên con số 2,78%.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức thấp song chuyển động nợ xấu tại Vietcombank và MBBank cũng rất đáng chú ý.
Nợ xấu tại Vietcombank cuối tháng 9 là 7.625 tỷ đồng, tăng 491 tỷ so với cuối tháng 6 và đã tăng 1.402 tỷ đồng (tương đương 22,5%) so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3- nợ dưới tiêu chuẩn của ngân hàng này tăng hơn 4 lần so với thời điểm đầu năm lên 1.240 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 – nợ nghi ngờ tăng 31,4% lên 1.525 tỷ đồng, trong khi đó nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn chỉ tăng nhẹ 1,9% lên 4.860 tỷ.
Trong quý 3/2019, mặc dù nợ dưới tiêu chuẩn của Vietcombank đã có chuyển biến tích cực, giảm so với cuối tháng 6; nợ nhóm 4 – nợ nghi ngờ lại tăng hơn 2 lần lên 1.525 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng từ mức dưới 1% hồi đầu năm lên 1,07% cuối tháng 9/2019.
Còn tại MBBank, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng tăng khá mạnh trong 9 tháng. Tại ngày 30/9, tổng nợ xấu của ngân hàng là 3.703 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 của ngân hàng tăng tới 40% lên 1.348 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,33% lên 1,54%. Đáng chú ý, nợ xấu tại công ty con MCredit tăng khá mạnh, từ dưới 6% hồi đầu năm lên gần 8%.
Nợ xấu của Kienlongbank cuối tháng 9 là 341 tỷ đồng, chỉ tăng 22,8%. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này vẫn đang giữ ở nhóm thấp nhất hệ thống, khoảng 1,07%. Tuy nhiên, trong 9 tháng, nợ nhóm 4 của ngân hàng có xu hướng tăng khá mạnh: tăng 174% lên 121 tỷ đồng.
Tương tự, tại LienVietPostBank, nợ nhóm 4 tăng 144% lên 572 tỷ đồng. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng chỉ tăng nhẹ từ 1,41% lên 1,48%.
Hay tại nhiều ngân hàng nữa, một số nhóm nợ bất ngờ tăng vọt theo cấp số nhân như tại Techcombank, nợ nhóm 3-nợ nghi ngờ tăng 172% lên 646 tỷ đồng; tại MSB, nợ nhóm 4 tăng tới 370% lên 180 tỷ.
Mặc dù một số nhóm nợ xấu tăng mạnh nhưng nhìn chung chưa ảnh hưởng nhiều tới tỷ lệ nợ xấu trên tổng tín dụng của các nhà băng và vẫn dưới 3% theo quy định. Dù vậy, việc nợ nhóm 3, nhóm 4 bất ngờ tăng vọt theo cấp số nhân cũng là một hiện tượng đáng chú ý về xu hướng hình thành nợ xấu mới ở các nhà băng trong thời gian tới.
NamABank 9 tháng đầu năm: LNTT đạt 574 tỷ đồng, nợ xấu tăng mạnh