Không xa Việt Nam, người Trung Quốc mua bó rau cũng trả tiền bằng cách "quét" QR Code, người Hong Kong dùng thẻ tàu điện để trả tiền trong cả quán ăn, người Singapore chỉ cần thẻ tín dụng có thể mua sắm ở hầu hết mọi nơi trên đảo quốc.
Rút tiền thẻ tín dụng nhanh chóng
Vậy thì ở quốc gia luôn đi đầu trong đón nhận công nghệ mới, với một thế hệ tiêu dùng trẻ và quyết tâm cao về xã hội không tiền mặt của chính phủ, ngày mà mọi người ra đường có thể "quét" điện thoại và "vẫy" thẻ tín dụng để thanh toán cho đa số giao dịch hàng ngày, liệu có gần đến?
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, sẽ chia sẻ về những cơ hội để Việt Nam chuyển mình sang nền kinh tế không tiền mặt.
Thưa bà, năm nay là năm cuối thực hiện "Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020" của Chính phủ. Đến thời điểm hiện tại, bà đánh giá gì về kết quả đề án này?
Khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng tại Đông Nam Á năm 2019 của Visa cho biết, trong khi 84% người dân khu vực chọn sử dụng tiền mặt là phương tiện thanh toán chính thì tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ có 71%, thấp nhất khu vực. Với kết quả nói trên, chúng tôi tin rằng thanh toán không tiền mặt của người tiêu dùng Việt Nam đang có những bước chuyển tích cực đáng ghi nhận.
Theo dữ liệu từ VisaNet, mạng lưới xử lý thanh toán tiên tiến của Visa, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Visa trong năm 2019 tăng 39% so với cùng kỳ năm 2018, và tổng số giao dịch tăng 54%.
Tôi tin rằng, ngày tiến tới xã hội không tiền mặt đang rút ngắn nhanh chóng.
Visa nhận thấy có những thay đổi gì trong hành vi tiêu dùng ở thời điểm hậu COVID-19 hiện tại?
Trong một khảo sát gần đây được thực hiện bởi Kantar Việt Nam, hơn 50% người Việt Nam tham gia khảo sát đang mua sắm tại các trang web thương mại điện tử nhiều hơn do ảnh hưởng của COVID-19. Ngoài ra, 79% người tiêu dùng Việt Nam hiện đang ưu tiên chọn thanh toán bằng thẻ và ứng dụng di động trong thời điểm hiện tại. Trong đó, 85% người tiêu dùng vẫn chọn sử dụng thanh toán điện tử (thanh toán qua thẻ và ứng dụng di động) thay vì tiền mặt sau dịch COVID-19. Trong thời gian tới đây, mua sắm trực tiếp tại cửa hàng được dự đoán sẽ bị hạn chế, thay vào đó người tiêu dùng sẽ chuyển sang các kênh mua sắm và giao hàng trực tuyến, cũng như các phương thức thanh toán không tiếp xúc.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào
Trên thế giới, mặc dù tác động của COVID-19 lên mức độ đón nhận thanh toán không tiếp xúc vẫn chưa được thể hiện rõ ràng, nhưng sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng đối với các danh mục sản phẩm thiết yếu hàng ngày đã có biến chuyển. Như tại Mỹ, mức độ nhận biết và sử dụng thanh toán không tiếp xúc tăng cao đối với người tiêu dùng có nhu cầu hạn chế tương tác khi thanh toán trong thời điểm hiện tại.
Ở góc độ chi tiêu cho mua sắm, người tiêu dùng đang dần chuyển sang mua sắm trên các nền tảng thương mại kỹ thuật số - bất kể đó là hàng hoá gì. Các công ty và thương hiệu dẫn đầu đã xây dựng các chiến lược đa kênh toàn diện, tích hợp thương mại di động, trực tuyến và tại cửa hàng một cách xuyên suốt. Vì việc mua sắm tại cửa hàng bị hạn chế nghiêm ngặt đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, người mua đang tìm đến những trải nghiệm thương mại kỹ thuật số bùng nổ hơn bao giờ hết.
Visa có những chủ trương và chính sách gì để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam?
Visa ủng hộ mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế không tiền mặt của chính phủ Việt Nam – chúng tôi luôn hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan để hiện thực hóa mục tiêu này. Theo Khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng tại Đông Nam Á do Visa ủy quyền, 79% người tiêu dùng ở Việt Nam cho biết họ ủng hộ mục tiêu "không tiền mặt" của chính phủ - tỷ lệ cao nhất được ghi nhận trong khu vực, và 74% người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không tiền mặt trong 12 tháng tới.
Là công ty công nghệ thanh toán toàn cầu, Visa đã và đang nỗ lực đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là thanh toán không tiếp xúc nhằm góp phần mang công nghệ này trở thành trào lưu mới tại thị trường Việt Nam.
Với xu hướng người tiêu dùng chuyển sang mua sắm online, để giúp người dân tiêu dùng thuận tiện và tiết kiệm hơn, Visa đã hợp tác với nhiều đối tác kinh doanh trên thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Now, GrabFood, Fahasa… để đưa ra các chương trình tiêu dùng thuận tiện, tiết kiệm với nhiều tiện ích khi mua bán và thanh toán online bằng thẻ Visa. Tiếp tục trong tháng 6, sẽ có thêm nhiều chương trình mới mà Visa đầu tư cùng các đối tác để đem đến cho người tiêu dùng thêm các lợi ích gia tăng, hỗ trợ tốt nhất cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Có thách thức nào cho con đường hướng tới xã hội không tiền mặt này không thưa bà?
Trên thực tế, tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán được ưa thích nhất hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, lý do để người dùng mang ít tiền mặt chính là ngày càng có nhiều nơi chấp nhận thanh toán kỹ thuật số.
Vậy nên, trước hết, tôi nghĩ giúp người tiêu dùng và các điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc hiểu được lợi ích của thanh toán kỹ thuật số là công tác quan trọng để khuyến khích sử dụng. Thứ hai, chúng tôi cần đem đến cho người tiêu dùng nhiều cơ hội hơn để sử dụng thanh toán kỹ thuật số, và tôi nghĩ điều này có mối liên hệ chặt chẽ với ý thứ nhất tôi vừa đề cập bởi vì chúng tôi cần triển khai hợp tác chặt chẽ với các điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc nhất định để giúp họ hiểu được lợi ích to lớn mà thanh toán kỹ thuật số mang lại cho doanh nghiệp. Nếu chúng tôi có thể giúp các điểm chấp nhận thanh toán kỹ thuật số tiếp tục mở rộng, thì nhiều người tiêu dùng có thể sẽ chuyển sang thanh toán bằng thẻ hoặc bằng điện thoại – thay vì thanh toán bằng tiền mặt.
Hiện tại, chúng tôi cũng đang triển khai kế hoạch để khuyến khích không chỉ thanh toán không tiền mặt mà cả thanh toán không tiếp xúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thử các phương thức thanh toán mới, nhằm vào mục tiêu cuối cùng là giúp thay đổi hành vi thanh toán trong tương lai.